Trí tưởng tượng là một trong số ít tài sản quý giá nhất của con người. Ta có thể bị tước đoạt đi nhiều thứ - tài sản, cơ nghiệp, tình yêu … nhưng không ai và không quyền lực nào ngăn cản được ta mơ tưởng về chân thiện mỹ. Ở nơi cái xấu đang ngự trị, người ta mơ tưởng đến cái đẹp từ phần còn lại của thế giới, và khi thế giới bị chia cắt bởi những toan tính quốc gia hẹp hòi, người ta lại mơ ước viễn vông về phép màu hàn gắn đến từ … vũ trụ. Trong bối cảnh đó, bộ phim viễn tưởng “Arrival” ra đời, với thông điệp hoàn toàn thuyết phục về tầm quan trọng của sự giao tiếp ngôn ngữ, không phải bom mìn hay đầu đạn hạt nhân, trong việc hóa giải xung đột và xóa tan ngộ nhận. Khung cảnh của một góc phòng tĩnh mịch dần dần hiện ra, với ly rượu vang chưa kịp uống trên chiếc bàn. Xuyên qua bức tường kính trong suốt, bạn có thể nhìn thấy buổi chiều chầm chậm buông xuống bên ngoài khu vườn nhỏ. Trong tiếng vĩ cầm da diết, bạn dõi theo những cảnh hồi tưởng và nghe những chiêm nghiệm của nữ giáo sư ngôn ngữ học Louise Banks về một phần đời đã qua (hay sắp đến?!) liên quan tới đứa con mất sớm vì chứng ung thư. Mang theo tâm sự đến giảng đường, Louise khám phá ra rằng trái đất đang “bị xâm chiếm”, theo như bản tin tường thuật trực tiếp trên truyền hình. 12 vật thể hình bầu dục đen ngòm bất thần xuất hiện, lặng lẽ lửng lơ như những dấu hỏi khổng lồ ở 12 địa điểm khác nhau trên trái đất. Bằng cách nào họ đến đây? Họ đến đây với mục đích gì? Tại sao họ lại xuất hiện ở 12 địa điểm như vậy? Đó là những câu hỏi mà các nhà chức trách trên khắp hành tinh cần giải đáp. Và tại Mỹ, cùng với Ian Donnelly, nhà vật lý lý thuyết, Louise Banks (chứ không phải Noam Chomsky, hihi) được mời tham gia vào nhóm tiếp xúc để giải mã ngôn ngữ của những sinh vật 7 chân này (heptapod). Phần còn lại là … những gì bạn cần ra rạp để xem, và hiểu rằng không phải phim khoa học viễn tưởng hay nào cũng cần phải khói lửa mịt mù, trời long đất lở, hay người bay thú lượn. Để đạt được sự thấu hiểu trong giao tiếp, cần nhất là ta không che đậy điều gì với nhau. Quan điểm này được thể hiện một cách ẩn dụ trong bộ phim. Ở những lần tiếp xúc đầu tiên với heptapod, Louise khoác trên mình trang phục bảo hộ (do sợ bị nhiễm phóng xạ hay lượng khí carbon cao). Cuộc tiếp xúc không đem lại nhiều kết quả. Sau đó cô quyết định cởi bỏ nó, để lộ con người thật bằng xương bằng thịt (không có lõa lồ à nha!) và, trong nỗi kinh hoàng của những thành viên còn lại, tiến tới sát heptapod hơn, run rẫy chạm tay vào màn kính, với 5 ngón tay xòe ra như một lời chào. Những giây nghẹt thở trong trạng thái dễ bị tổn thương nhất của cô được tưởng thưởng bằng tín hiệu tích cực từ các sinh vật ngoài hành tinh. Họ đã đáp trả bằng những cử chỉ thân thiện và chân thật không kém. Mọi chuyện thông suốt hơn hẳn khi Louise có thể giao tiếp với heptapod bằng chính ngôn ngữ của họ qua việc dùng tay vẽ những vòng tròn chữ. Một ngôn ngữ lạ thường: những vòng tròn được tạo bởi chất liệu giống như mực phun ra từ một trong 7 chi (tay hay chân không biết!); mỗi vòng thể hiện một ý tưởng hoàn chỉnh. Để giải thích cho năng lực đặc biệt của Louise Banks, bộ phim có đề cập đến thuyết ngôn ngữ của Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf, đại khái là ngôn ngữ mà ta sử dụng xác định hành vi của ta cũng như cách ta suy nghĩ về thế giới xung quanh. Hóa ra, cũng tròn như vòng chữ của mình, quan niệm về thời gian của heptapod là không tuyến tính, không có bắt đầu, không có kết thúc, chẳng có quá khứ, hiện tại hay tương lai, những điều đã qua hay đang xảy ra cũng có thể là những chuyện sắp tới, và ngược lại. Sử dụng và chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ heptapod, những kết nối trong não bộ của Louise Banks đã được thiết lập mới; cô giờ có thể thấy được tương lai, và nhờ vậy đã cứu quả địa cầu này “một bàn thua trông thấy”! Trong ý nghĩ tương tự, vòng tròn chính là biểu tượng hoàn hảo nhất cho quan niệm không có đầu mà cũng chẳng có cuối, như chữ viết của heptapod, như phần đời đã qua hay sắp đến của Louise Banks, như tên con gái của cô, Hannah - đọc xuôi cũng được mà đọc ngược cũng xong, như cái cách hòn sỏi rớt xuống mặt hồ yên tĩnh, như những giọt sương đọng trên phiến lá, như khuôn mặt của bạn và tôi, như quả địa cầu xoay mãi giữa vũ trụ mênh mông (chắc cũng tròn!)... Ly rượu vang đầu phim đến cuối phim vẫn còn đó, và tiếng vĩ cầm cũng da diết như cũ. Louise Banks nhấp chút rượu và nhìn buổi chiều chầm chậm buông xuống ngoài khu vườn nhỏ: “Xin cảm ơn, heptapod. Hôm nay các bạn cứu chúng tôi; 3000 năm nữa đến lượt chúng tôi cứu các bạn. Có vay thì có trả mà!” Bộ phim hầu như không có yếu tố hài hước (ai muốn hài hước thì qua rạp bên cạnh hihi), ngoại trừ khám phá của Ian Donnelly về lý do 12 vật thể xuất hiện tại các địa điểm kia: đó là những nơi ca sĩ Sheena Easton từng lưu diễn rất thành công với bài “9 to 5” vào thập niên 80. Hóa ra ca sĩ này có fan ngoài vũ trụ, hay tại đạo diễn phim mê ca sĩ không biết! Thêm nữa, khuôn mặt của tướng Shang trong phim trông hao hao giống Xí Jìnpíng. Chẳng biết đạo diễn có ý gì không khi cuối phim thì thế giới đại đồng. Cũng mong là vậy thôi! IMDB Ratings: 8/10 Rotten Tomatoes Ratings: 94% Link phim: http://www.hdvietnam.com/threads/vien-tuong-arrival-2016-1080p-bluray-dts-x264-tayto-cuoc-do-bo-bi-an.1291635/ Link phụ đề: https://subscene.com/subtitles/arrival
0 Comments
Leave a Reply. |