Rồi đây chắc chẳng còn chút mật ngọt tự nhiên nào trong những lời tình yêu bọn đàn ông buông thả khi lạc bước giữa rừng hoa sắc thắm. Đó là nói cho vui, nhưng nghe đâu những chú ong được việc và dễ thương đang bên bờ tuyệt chủng. Ở Anh quốc chẳng hạn, 27 loài ong thì hết 3 đã lên đường, còn nhiều loài khác hình như cũng chuẩn bị tiếp bước thì phải. Vậy là một mùa hè nữa đã đến; 30.000 tổ ong với cả 4.000 con ong máy mỗi tổ đã được kích hoạt để bay lượn khắp cả nước Anh hòng thay trời thụ phấn cho hoa quả cây trái. Mỗi chú ong máy (Autonomous Drone Insect – ADI) được trang bị mã nhận diện và có khả năng tự di chuyển tới đối tượng được lập trình sẵn (ở đây là hoa) để làm công việc những con ong đích thực từng làm, tiếp tục đem lại hương sắc cho đời. Hay ít ra đó là những gì đang được tường thuật cách đây không lâu trên màn hình TV Anh quốc lúc trưởng thanh tra Karin Parke về nhà. Cô ngồi phịch xuống chiếc ghế salon vừa nhai bánh snack vừa theo dõi bản tin hàng ngày. Mẩu tin trước đó đề cập đến cơn thịnh nộ của mạng xã hội trước một bài báo do Jo Powers viết. Lời lẽ cô sử dụng xúc phạm nặng nề một nhà hoạt động xã hội bảo vệ người khuyết tật, dẫn đến cái chết của người này. Chuyển qua cảnh mới ...Ta thấy Jo Powers ngồi trước máy tính. Thích thú nhìn chiếc bánh có dòng chữ “Fucking Bitch” của anti-fan tặng cho. Jo cắt một lát rõ to và, vừa nhâm nhi bánh, vừa nhấm nháp rượu, cô săm soi những cục đá cộng đồng mạng ném @jopowers trên máy tính. Có cục ném chẳng đâu vào đâu, có cục ném trầy da tróc vảy, cũng có nhiều cục ném đến sứt đầu vỡ trán, nhất là những cục kèm theo hashtag #DeathToJoPowers... Vậy mà Jo Powers chết thật! Hết gặm snack tới múc kem, trưởng thanh tra sống ly thân Karin Parke tiếp tục theo dõi chương trình TV, lần này chàng rapper đoạt giải Grammy Tusk miệt thị một cậu nhóc 9 tuổi bắt chước phong cách của mình. Đang bị lôi kéo vào tâm trạng bực tức chung của hàng triệu khán giả trước thái độ ngạo mạn vô lối của Tusk thì điện thoại công việc rung lên. Karin lái xe đến hiện trường án mạng và gặp Blue Colson, cộng sự mới của mình, cũng là chuyên gia IT từng làm việc trong lĩnh vực pháp y kỹ thuật số (digital forensics). Năm tháng lục lọi ổ cứng và thẻ nhớ của nghi phạm cũng như nạn nhân đã khiến cô quyết định chuyển ngành. Những ý nghĩ và hình ảnh đen tối ngày xưa thiên hạ cất vào một góc kín trong đầu, còn giờ: “ Mấy thứ này (smart phone, computer...) thâu tóm bản chất của chúng ta. Chúng biết tất tần tật mọi thứ về chúng ta,” Blue Colson vẫy vẫy chiếc smart phone trước mặt mình. Đầu tiên là Jo Powers, kế đến là Tusk. Thoạt nhìn hai cái chết chẳng có gì liên quan với nhau, ngoài việc họ là nạn nhân của cơn thịnh nộ trên mạng xã hội vì những lời lẽ xúc phạm lăng mạ của mình, và cả hai đều có dấu hiệu tự hủy hoại thân thể trong cơn đau đớn tột cùng. Cho đến lúc Tusk được chụp MRI - một khối nam châm khổng lồ - người ta mới biết nguyên do của cái chết: ong máy thâm nhập vào đầu và tấn công khu vực gây đau đớn trong não bộ của nạn nhân. Blue Colson bắt đầu dò tìm qua các địa chỉ user và hashtag để rồi phát hiện ra trò chơi tử thần trên mạng xã hội: Trò chơi Nhân quả (Game of Consequences). Những người tham gia trò chơi upload địa chỉ, hình ảnh của kẻ mình ghét; sau đó điền tên người này vào hashtag #DeathTo ___ và click “Send”. Kết quả sẽ được thông báo vào 5 giờ chiều cùng ngày, và người bị cộng đồng mạng ghét nhất sẽ đền tội. Nếu trên Facebook có một trò xổ số chết chóc như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra? Ta có thật sự ghét cay ghét đắng một người nào đó để điền tên họ vào hashtag tử thần kia, mong họ chết quách cho xong “chứ cái ngữ như vậy sống trên đời chỉ để chật đất mà thôi”! Cái quyền lực quyết định sinh mạng của kẻ khác hoàn toàn nằm trong tay ta - thành viên của mạng xã hội, chịu tác động của tâm lý bầy đàn và được bảo bọc bởi sự khuyết danh tránh né trách nhiệm! Trong “Hated in the Nation”, giả thuyết trên trở thành hiện thực. Những cá thể tấn công kẻ khác bằng sự thù ghét trở thành nạn nhân của chính vũ khí mình sử dụng, và cái chết đau đớn là giá mà họ phải trả. Bắt đầu là Jo Powers, kế tiếp là Tusk. Nạn nhân thứ 3 là một phụ nữ với bức ảnh selfie trong tư thế tiểu tiện như đàn ông vào một tượng đài chiến tranh. Là tấm bia bị cộng đồng mạng ngắm bắn nhiều nhất trong ngày ở thế giới ảo, cô ta chết giữa cuộc đời thật trong vòng tay của Karin khi họ đang vô vọng ngăn cản lũ ong máy xâm nhập vào nơi ẩn trú. Vậy mà Karin và Blue thì không hề hấn gì. Lũ ong máy nhận diện mục tiêu cụ thể và thực hiện nhiệm vụ theo mã lệnh. Nhưng mục tiêu ở đây không phải là những đóa hoa xinh tươi, mà là những khuôn mặt người bị thù ghét nhất trong trò chơi nhân quả. Hóa ra khi lập trình cho ong máy thụ phấn hoa, chính phủ Anh đã nhờ một công ty tư nhân tạo thêm “ngõ sau” để dễ bề theo dõi dân chúng. Qua đó, họ có thể nhận diện và kiểm soát những phần tử đe dọa an ninh quốc gia. Bí mật xấu xí này lại lọt vào tay một kẻ thù đời ghét nhân loại. Trong bức thông điệp cố tình để lộ cho bộ phận điều tra, hắn xác định đó là cái giá con người phải trả cho việc nhân danh tiến bộ công nghệ mặc sức kết tội, chửi bới mà không lo hậu quả. Khoan đã, nếu nói vậy thì đâu phải chỉ có vài nhân vật “được bình bầu xuất sắc”; còn những kẻ bỏ phiếu thì sao – có đến 387.000 người tham gia vào trò chơi xổ số chết chóc này mà! Và cơn ác mộng tiếp diễn... Con người là như vậy sao – hủy hoại thế giới thật chưa đủ giờ lại kéo nhau lên tận thế giới ảo để mà trách móc, chửi bới và thù ghét nhau? Đó là câu hỏi mà mùa 3 bộ phim “Black Mirror” đặt ra, với hàm ý rằng “con người cần thấy những góc tối tệ hại nhất của mình được phản chiếu trong ánh sáng mịn màng của màn hình vi tính trước khi họ có thể làm được điều gì đó...” (the Verge). Nếu thật vậy, hy vọng ở mùa 4, tấm gương phản chiếu này sáng hơn tí. Link Torrent: http://pirateunblocker.info/torrent/16123277/Black_Mirror_S03E06_1080p_WEBRip_HEVC_DD5.1_x265
0 Comments
Leave a Reply. |